Truy cập nội dung luôn

Bước tiến mới của sản phầm nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi

19/09/2022 08:50    184

Hiện Quảng Ngãi có 17 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, 61 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh năm 2022. Trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao và 57 sản phẩm đạt 3 sao, với điểm nhấn là 2 sản phẩm du lịch cộng đồng được công nhận 3 sao và 4 sao cấp tỉnh. Để thúc đẩy tiêu thụ, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 6 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại TP.Quảng Ngãi, TX.Đức Phổ và huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành.

Đơn cử như sản phẩm Dệt thổ cẩm Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) là một trong 17 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Ngãi năm 2022 và cũng là dòng sản phẩm được lòng một bộ phận lớn khách hàng trong và ngoài tỉnh. Hay ớt xiêm Sơn Hà, mắm cá niên Sơn Hà là những  sản phẩm đạt được công nhận OCOP 3 sao của tỉnh do Hợp tác xã nông nghiệp sạch (HTXNN) Sơn Hà sản xuất được thị trường tiêu thụ mạnh và được đi vào các siêu thị trong nước với số lượng lớn.

 

Đó là những tín hiệu tích cực của các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ta. Tuy nhiên con số này quá ít so với các sản phẩm nông nghiệp trên toàn tỉnh. Có thể nói chặng đường chuyển đổi số của ngành nông nghiệp ở hiện tại cũng như tương lai vẫn còn nhiều thách thức đặt ra.

Theo Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Hồ Trọng Phương cho rằng, hầu hết các chủ thể chỉ tập trung vào sản xuất, mà “bỏ rơi” khâu quảng bá tiêu thụ sản phẩm ra thị trường. Bên cạnh đó, giữa chủ thể và các đơn vị phân phối sản phẩm chưa gặp nhau, chưa tìm được tiếng nói chung trong quá trình tổ chức sản xuất, tiêu thụ. Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều sản phẩm đạt chất lượng rất tốt, mẫu mã đẹp nhưng vẫn bí đầu ra, vì “vênh” với yêu cầu và tiêu chuẩn của thị trường. Theo đánh giá của một số nhà phân phối lớn thì chỉ trừ một số DN có bộ phận kinh doanh hoặc làm thị trường chuyên biệt, còn hầu hết các chủ thể OCOP như HTXNN, Tổ hợp tác bán hàng thông qua các cộng tác viên thị trường, các kênh truyền thống và thực hiện kiểu được chăng hay chớ. Vậy nên được kết nối với những nhà phân phối lớn thì nhiều chủ thể lúng túng, chưa nắm bắt được các phương thức hợp tác kinh doanh, nhất là những chính sách kích cầu, quy chuẩn mã vạch, chứng từ sản phẩm, thủ tục chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…

Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được trưng bày tại các hội chợ

 

Giám đốc Công ty CP Tư vấn Kinh tế và Phát triển nông thôn Việt Nam  Trần Ngọc Toàn cho biết, thiếu kỹ năng làm thị trường nên chủ thể bị động trong việc kết nối với nhà phân phối. Vì vậy, dù sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nhưng nếu cứ tiêu thụ trong phạm vi hẹp thì dần dần sẽ lụi tàn trên thị trường. Chính vì vậy, cùng với những chính sách thúc đẩy mở rộng quy mô sản xuất, thì chính quyền, ngành chuyên môn cần hỗ trợ chủ thể trong công tác đào tạo kiến thức và kỹ năng làm thị trường. Qua đó giúp các chủ thể hoạch định bài bản chiến lược sản xuất–kinh doanh, để vừa đủ sức cạnh tranh với sản phẩm cùng dòng tại thị trường, vừa đảm bảo nguồn hàng cung ứng liên tục. Có như vậy thì sản xuất mới bền vững, sản phẩm mới nâng cao giá trị gia tăng.

MỸ HOA