Truy cập nội dung luôn

Chuyển đổi số để người dân hưởng lợi

16/11/2022 14:42    126

Một trong những chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi về lộ trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, để người dân được hưởng lợithụ hưởng các giá trị từ chuyển đổi số.

Năm 2019, UBND phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) đưa vào hoạt động trang zalo OA UBND Phường Nguyễn Nghiêm TP Quảng Ngãi. Người dân chỉ cần truy cập vào trang zalo hiện ra các thủ tục hành chính như đăng ký khai sinh, kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân… Mỗi thủ tục đều có các bước hướng dẫn cụ thể, giấy tờ cần chuẩn bị, hướng dẫn nộp hồ sơ trực tiếp, thông báo về thời hạn giải quyết hồ sơ. Người dân còn có thể đăng ký thủ tục trực tuyến vì giao diện của trang zalo đơn giản, dễ thực hiện. Bên cạnh đó, trang zalo phường còn liên kết đến Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Ngoài ra, người dân còn có thể liên hệ, phản ánh các kiến nghị thông qua các số điện thoại cán bộ, công chức phường công khai trên trang zalo.

 

Công chức phường Nguyễn Nghiêm hướng dẫn người dân tham gia vào trang zalo OA UBND phường Nguyễn Nghiêm TP Quảng Ngãi.

Phường Nguyễn Nghiêm là đơn vị tiên phong của TP.Quảng Ngãi triển khai trang zalo để hướng dẫn, kết nối với người dân. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, hỗ trợ người dân tiếp cận môi trường số, làm quen với các kỹ năng số trên chiếc điện thoại thông minh. Ngoài ra, phường Nguyễn Nghiêm còn lập các nhóm zalo để kịp thời phổ biến các chủ trương, chính sách, thông tin đến người dân.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Nghiêm Nguyễn Thị Ngọc Dung chia sẻ: “đối với trang zalo OA của phường, người dân có thể dễ dàng tiếp cận, được hướng dẫn đầy đủ các giấy tờ cần thiết thực hiện thủ tục hành chính giúp người dân chủ động nắm bắt, tiết kiệm thời gian hơn. Các nhóm zalo hoạt động rất hữu ích nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 cao điểm, thiên tai, chính quyền kịp thời chuyển tải thông tin đến người dân. Xác định xây dựng chính quyền điện tử là nhiệm vụ quan trọng, ý nghĩa, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động phục vụ người dân, cuối năm 2021, Đảng ủy phường đã ban hành Nghị quyết về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành với mục tiêu cơ bản xây dựng chính quyền điện tử phường đạt mức độ IV năm 2025.

Bên cạnh nỗ lực thực hiện chuyển đổi số từ phía chính quyền, doanh nghiệp, vai trò của các Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) rất quan trọng góp phần đưa chuyển đổi số đến gần hơn với người dân. Các Tổ CNSCĐ được xem như “cánh tay nối dài” từ Ban chỉ đạo chuyển đổi số các cấp đến người dân nhằm xây dựng, hình thành và duy trì văn hóa chuyển đổi số. Các thành viên Tổ CNSCĐ có trách nhiệm đồng hành và hỗ trợ người dân kỹ năng khai thác, sử dụng các nền tảng số.

Với sức trẻ, nhiệt huyết, lực lượng tuổi trẻ được kỳ vọng là đội ngũ hỗ trợ người dân tiếp cận với chuyển đổi số.

Giao diện trang zalo OA UBND phường Nguyễn Nghiêm TP Quảng Ngãi.

 

Bí thư Đoàn Thanh niên phường Nguyễn Nghiêm Lê Thanh Phong cho biết:

Bí thư đoàn phường và các bí thư chi đoàn các tổ đều tham gia các Tổ CNSCĐ cấp phường, tổ. Trong các đợt sinh hoạt hè tại địa phương, Đoàn phường đều có lồng ghép nội dung chuyển đổi số. Vừa qua, các đoàn viên đã hỗ trợ người dân trên địa bàn phường cài đặt phần mềm 114, đăng ký dịch vụ công trực tuyến. Trong thời gian đến, Đoàn phường triển khai với chi đoàn công an, chi đoàn các tổ dân phố đến các hộ dẫn hướng dẫn cài đặt và sử dụng thêm các ứng dụng khác.”

Theo thống kê, đến nay, trên địa bàn tỉnh thành lập 1.141 Tổ CNSCĐ với hơn 7.534 thành viên, đạt 100% các cấp; 13/13 Tổ cấp huyện với 169 thành viên; 173/173 Tổ cấp xã với 1690 thành viên; 954/954 Tổ cấp thôn, tổ dân phố với 5.653 thành viên. Tại xã Bình Tân Phú (Bình Sơn), Chủ tịch UBND xã Nguyễn Minh Hoàng cho biết, trên địa bàn xã đã thành lập 1 Tổ CNSCĐ cấp xã và 7 Tổ cấp thôn. Thành viên của các Tổ CNSCĐ thôn gồm trưởng thôn, bí thư chi đoàn, các chi tổ hội, mặt trận đoàn thể thôn. Tổ CNSCĐ cấp xã gồm Phó Chủ tịch UBND, một số cán bộ công chức, thành viên các hội đoàn thể… Mặc dù đã chuẩn bị nhân lực để cùng tham gia vào lộ trình chuyển đổi số, song bước đầu các Tổ CNSCĐ địa phương vẫn còn nhiều gặp nhiều bỡ ngỡ. Chủ tịch UBND xã Bình Tân Phú Nguyễn Minh Hoàng cho biết thêm, nhiều thành viên vẫn còn mơ hồ, chưa hình dung xác định công việc cụ thể nhất là đối với cấp thôn. Tại UBND xã, đường truyền, hạ tầng máy tính chưa đảm bảo để cài đặt các phần mềm mới, đáp ứng nhu cầu công việc nhất là giải quyết các thủ tục hành chính. Trình độ công nghệ thông tin của một số cán bộ cơ sở vẫn còn hạn chế.

Giám đốc Sở TT&TT Trần Thanh Trường cho biết: các Tổ CNSCĐ mới thành lập, ban đầu tập huấn và tiếp cận một số kỹ năng số cơ bản nên việc triển khai phương thức, cơ chế hoạt động vẫn còn nhiều khó khăn. Để đảm bảo mục tiêu các Tổ CNSCĐ hoạt động hiệu quả, trong thời gian đến, Sở TT&TT tiếp tục hướng dẫn phương thức hoạt động và các kỹ năng cần thiết cho thành viên Tổ CNSCĐ các cấp. Bên cạnh đó, phối hợp các đơn vị, địa phương tham mưu cơ chế, chính sách duy trì hoạt động của các Tổ CNSCĐ. Các địa phương phối hợp Sở TT&TT tổ chức hướng dẫn kỹ năng số cho các Tổ CNSCĐ, thường xuyên theo dõi hoạt động của các Tổ CNSCĐ các cấp nhất là đối với các Tổ cấp thôn, tổ dân phố. Đối với Tổ CNSCĐ cấp Tỉnh đoàn phát huy vai trò xung kích tuổi trẻ đến từng địa phương, hướng dẫn từng Tổ CNSCĐ kỹ năng khai thác, sử dụng nền tảng số, để từ đó thành viên trong Tổ “đi từng ngõ, gõ từng nhà và hướng dẫn từng người dân”.

 BẢO HÒA