Truy cập nội dung luôn

Cẩn trọng khi học và làm việc trực tuyến

24/04/2020 14:00    73

Với việc hơn nửa triệu tài khoản của phần mềm họp trực tuyến Zoom bị lộ thông tin cá nhân của người sử dụng, nên Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) phải phát đi Công văn cảnh báo vào giữa tháng 4 vừa qua, khiến người dân, doanh nghiệp lo ngại về nguy cơ mất an toàn thông tin khi học tập, làm việc trực tuyến.

Ngày 14.4 vừa qua, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Cục An toàn thông tin) ghi nhận có hơn nửa triệu tài khoản Zoom đã bị lộ, lọt thông tin cá nhân của người sử dụng, trong đó bao gồm: Email, mật khẩu, đường dẫn URL, các cuộc họp và mật khẩu kèm theo. Là phần mềm phổ biến cho học trực tuyến, tổ chức họp và làm việc từ xa, nhưng phần mềm Zoom lại tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng như mã hóa dữ liệu kém, dễ dàng bị dò quét ID cuộc họp... Thông qua những lỗ hổng này, tin tặc có thể truy cập bất hợp pháp vào các phòng họp, theo dõi, truyền bá các thông tin xấu độc, đánh cắp thông tin hoặc cài đặt mã độc trực tiếp vào máy tính người dùng. Vì thếđể đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, cục An toàn thông tin đã khuyến cáo các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước không nên sử dụng phần mềm Zoom phục vụ các buổi họp trực tuyến tại đơn vị mình; các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác cần cân nhắc khi sử dụng.

Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản đề nghị Sở GD&ĐT các tỉnh giới thiệu, phổ biến cho giáo viên những giải pháp, phần mềm quản lý và tổ chức dạy học qua Internet tin cậy, có uy tín. Đồng thời, các trường nên sử dụng các phần mềm có bản quyền do các Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT giới thiệu sử dụng miễn phí nhằm khắc phục tình trạng kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp họcphòng học trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, phản cảm, phản giáo dục trên mạng, ảnh hương đến chất lượng dạy học qua Internet.

Khuyến cáo là vậy, nhưng theo phản ánh của một số phụ huynh trên địa bàn như TP.Quảng Ngãi, huyện Mộ Đức,... nhiều giáo viên vẫn đang yêu cầu phụ huynh, học sinh dùng phần mềm Zoom hoặc Facebook Messenger... để học trực tuyến, vì các phần mềm này cung cấp kênh giao tiếp video đơn giản, nhanh gọn, thuận tiện cho việc tương tác, trao đổi giữa thầy và trò.

“Mức độ sử dụng phần mềm phục vụ học, họp trực tuyến tùy thuộc vào nhu cầu thực tế của từng doanh nghiệp, nhà trường,... Vì vậy người điều hành, chủ trì cần ưu tiên chọn giải pháp, sản phẩm làm việc trực tuyến do các doanh nghiệp có uy tín cung cấp, phải chú ý tải phần mềm từ các nguồn chính thống, không chia sẻ thông tin về phòng họp nhằm tránh các trường hợp bị kẻ xấu theo dõi, phá hoại. Đồng thời, nên đặt mật khẩu phức tạp cho các buổi học, họp và kích hoạt chế độ duyệt người tham gia trước khi vào phòng họp, hạn chế việc lưu lại nội dung trong trường hợp không cần thiết.... để tăng cường bảo mật khi tooe chức lớp học, họp trực tuyến" - Ông Nguyễn Quốc Huy Hoàng, Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở TT&TT) khuyến nghị.

Huy Hoàng - Ý Thu