Truy cập nội dung luôn

Cảnh giác với hình thức giới thiệu việc làm qua mạng xã hội

05/12/2023 10:00    51

Công an tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành công văn cảnh báo thủ đoạn lừa giới thiệu việc làm, cưỡng bước lao động.

Theo đó, từ tháng 01/2023 đến nay, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp nhận đơn đề nghị giải cứu 11 trường hợp công dân trên địa bàn tỉnh có người thân bị lừa sang các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Phillipine, Myanmar… bị cưỡng bức lao động, đòi tiền chuộc thông qua mạng xã hội.

Thủ đoạn chung của các đối tượng là thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo…) giới thiệu, dụ dỗ, tuyển mộ lao động “việc nhẹ lương cao”. Chúng thường hướng đến những thanh, thiếu niên trẻ tuổi ở vùng nông thôn có nhu cầu tìm việc làm tại các tỉnh, thành phố phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An…

Khi người dân đồng ý với lời giới thiệu việc làm, các đối tượng sẽ ngay lập tức hướng dẫn cách thức di chuyển, thường xuất phát bằng ô tô từ TP. Hồ Chí Minh lên các cửa khẩu thuộc tỉnh Tây Ninh và Long An rồi đi theo đường mòn, lối mở sang Campuchia, Lào, Thái Lan, Phillipine, Myanmar. Ngoài ra, còn có trường hợp được đối tượng hướng dẫn thủ tục làm Hộ chiếu để xuất cảnh.

Sau khi sang các nước này, nạn nhân bị thu giữ toàn bộ giấy tờ tùy thân rồi được đưa về các cơ sở bất hợp pháp, phải sinh hoạt trong khuôn viên khép kín. Đồng thời, bị ép buộc thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, cưỡng bức lao động, ép làm mại dâm với thời gian làm việc trung bình từ 12 giờ đến 15 giờ/ngày. Nếu nạn nhân không thực hiện theo yêu cầu thì sẽ bị các đối tượng đe dọa, đánh đập, tra tấn, không cho ăn uống hoặc bị bán qua cơ sở khác.

Nếu nạn nhân muốn về Việt Nam thì phải liên lạc với người thân để chuyển tiền chuộc với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng (đã có trường hợp người nhà nạn nhân chuyển tiển chuộc nhưng đối tượng vẫn không cho nạn nhân về Việt Nam).

Để phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trên, Công an tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với các hình thức giới thiệu việc làm qua mạng xã hội (Facebook, Zalo…), tránh bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, trở thành nạn nhân của hoạt động mại dâm.

Khi phát hiện hoặc nghi vấn có dấu hiệu môi giới, tổ chức đưa người sang nước ngoài làm việc trái phép, cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Trường hợp công dân có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ, liên hệ cơ quan chức năng tại địa phương hoặc doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp để được tư vấn, hỗ trợ và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh, xuất khẩu lao động tại nước ngoài.