Truy cập nội dung luôn

Chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị

19/01/2022 14:41    62

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại cuộc họp

Đó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2022 vào chiều ngày 19/01. Tham dự Hội nghị còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền, Phó Trưởng Ban thường trực cùng các thành viên của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh.

Đến nay, Cổng dịch vụ công được vận hành tại Trung tâm dữ liệu của tỉnh đã cung cấp hơn 800 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân và doanh nghiệp; Hệ thống thư điện tử dùng chung với hơn 11.000 tài khoản được triển khai đồng bộ đến cấp cơ sở; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành dùng chung thống nhất trong toàn tỉnh đã liên thông 4 cấp trong các cơ quan nhà nước và liên thông với các cơ quan đảng cấp huyện trong toàn tỉnh; triển khai hơn 2.275 chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước trong tỉnh; Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Hệ thống phần mềm một cửa đã triển khai đồng bộ đến cấp xã; công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tăng cường, chú trọng; 100% cán bộ, công chức, viên chức được ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyên môn.

Tuy nhiên, công tác phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, chuyển đổi số của tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế như: chưa có sự quan tâm đúng mức từ các cấp lãnh đạo cũng như các cơ quan tham mưu thực hiện nên chỉ số chuyển đổi số năm 2020 của tỉnh Quảng Ngãi còn rất thấp (47/63); nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 không có phát sinh hồ sơ trực tuyến; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao; các ứng dụng chuyên ngành còn mang tính cục bộ, chưa hình thành các nền tảng số, dữ liệu số dùng chung, đồng bộ để kết nối, trao đổi dữ liệu và liên thông nghiệp vụ; Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến chưa được triển khai đồng bộ đến cấp huyện và cấp xã; trình độ, năng lực của một số công chức tham mưu, phụ trách công tác phát triển chính điện tử hướng đến chính quyền số, chuyển đổi ở các cấp, các ngành còn hạn chế; đội ngũ công chức ở Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã chủ yếu thực hiện kiêm nhiệm và thay đổi thường xuyên nên hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; nguồn lực tài chính và nhân lực bố trí cho việc chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, chuyển đổi số còn hạn chế; điều kiện, cơ sở vật chất ở hầu hết các sở, ngành, địa phương vẫn chưa đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ; các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên môi trường mạng, dịch vụ đô thị thông minh chưa phát triển mạnh.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh ghi nhận những nỗ lực của các cấp, ngành trong việc thực hiện chính quyền điện tử, tuy nhiên kết quả đạt được còn quá thấp.

Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chuyển đổi số của tỉnh Quảng Ngãi phải có sự chuyển biến, tạo đột phá và đứng thứ hạng trung bình khá trở lên từ năm 2022. Để làm được điều này thì các cấp, các ngành và địa phương phải xem nhiệm vụ chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị; sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, của cộng đồng xã hội để từ đó xác định ưu tiên tập trung các nguồn lực để đầu tư và phát triển về chính quyền điện tử hướng đến quyền số, chuyển đổi số; gắn trách nhiệm về phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, chuyển đổi số với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; lấy kết quả thực hiện chuyển đổi số để đánh giá người đứng đầu từng cấp, từng ngành.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh phát biểu tại cuộc họp

Toàn cảnh cuộc họp

 

 

Thúy Vân