Truy cập nội dung luôn

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp, du lịch và chính quyền địa phương

30/09/2023 19:11    109

Chiều 29/9, trong khuôn khổ Tuần lễ Chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi năm 2023, diễn ra song song các hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và chuyển đổi số ngành du lịch”, “Nâng cao năng lực số của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân – Hướng tới một quốc gia số toàn diện”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo chuyên đề về chuyển đổi số ngành nông nghiệp, ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, những năm gần đây, bức tranh nông nghiệp số của tỉnh Quảng Ngãi đã và đang phát triển mạnh mẽ. Công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, hình thành những mô hình ứng dụng công nghệ tự động hóa ở mức thông minh, ứng dụng được một số cơ sở dữ liệu cho lĩnh vực lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản. 

Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội thảo


Ông Hồ Trọng Phương cho biết thêm, hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng cơ sở dữ liệu chăn nuôi thú y và hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên dùng phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo phòng chống thiên tai. Trong những năm tới, Sở tiếp tục rà soát và xây dựng cơ sở dữ liệu thủy sản, quản lý chất lượng và nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nông thôn mới,...
Trao đổi với ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi về công tác chuyển đổi số, ông Đặng Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ về định hướng chuyển đổi số ngành nông nghiệp, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho ngành nói chung và cho khu vực miền Trung nói riêng. 
Theo ông Đặng Duy Hiển, chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung đang lộ rõ những “nút thắt” cần giải quyết. Đó là nhận thức, thể chế chuyển đổi số trong quản lý, điều hành, ứng dụng số chưa toàn diện; chưa xây dựng được kiến trúc dữ liệu ngành nông nghiệp; chưa có cơ sở dữ liệu lớn về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, vùng nuôi, dữ liệu chuỗi ngành hàng; hạ tầng thiết bị cũ, thiếu đồng bộ, phân tán; phần mềm phục vụ chỉ đạo điều hành chưa liên kết để chia sẻ dữ liệu; nguồn lực đầu tư còn manh mún.
Để giải quyết các vấn đề nêu trên, dựa trên tình hình thực tế của tỉnh, ông Hiển đề xuất cho tỉnh Quảng Ngãi các phương hướng hành động cụ thể như: đẩy mạnh truyền thông chính sách chuyển đổi số trong ngành để nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp; xây dựng, ban hành kiến trúc dữ liệu ngành nông nghiệp; hoàn thiện các quy định liên quan đến chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số, nền tảng số; đảm bảo an ninh an toàn thông tin mạng; nghiên cứu, hợp tác, đào tạo, chuyển giao công nghệ số.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hội thảo

 


Tại chuyên đề “Chuyển đổi số ngành du lịch”, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong ngành du lịch, thời gian qua, Sở đã xây dựng và đưa vào vận hành ứng dụng Du lịch Quảng Ngãi nhằm quảng bá du lịch và kết nối du khách với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp một cách nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí và thời gian. 
Đặt vấn đề đẩy mạnh công nghệ số trong hoạt động du lịch tại tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung, hội thảo đã nghe tham luận của các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp chuyển đổi số trao đổi về tầm quan trọng của dữ liệu số trong phát triển ngành du lịch hiện đại, thông minh, Qua đó, nâng cao chất lượng trải nghiệm của du khách và hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước về du lịch. 
Cũng trong chiều 29/9, hội thảo “Nâng cao năng lực số của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân – hướng tới một quốc gia số toàn diện” với sự tham gia của các diễn giả là chuyên gia đến từ Trường Đại học RMIT Việt Nam thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu của các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp và hợp tác xã địa phương. 
Tại đây, TS. Nguyễn Quang Trung, Trưởng Khoa Quản trị, Trưởng nhóm nghiên cứu về chuyển đổi thông minh Đại học RMIT Việt Nam tư vấn, trao đổi, chia sẻ thực tế các giải pháp để lựa chọn phương pháp, lộ trình cũng như các giải pháp công nghệ số phù hợp trong hoạt động chỉ đạo, quản lý điều hành, triển khai thực hiện đối với chính quyền số. Bên cạnh đó, các chuyên gia Trường Đại học RMIT cũng phổ biến chiến lược chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cung cấp các kỹ năng cần có trong thời đại công nghệ số để thanh niên, thế hệ trẻ Quảng Ngãi nâng cao năng lực số của bản thân, đồng thời, hỗ trợ người dân năng cao năng lực số, phát triển công dân số.