Truy cập nội dung luôn

Cơ hội chuyển mình cho doanh nghiệp bưu chính

15/02/2022 10:32    98

Nhân viên bưu điện hướng dẫn nông dân tỉnh Hưng Yên bán nhãn trên sàn thương mại điện tử. (Ảnh: An An).

Mặc dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế-xã hội toàn thế giới và nước ta, tuy nhiên, thương mại điện tử Việt Nam vẫn tăng trưởng khoảng 18%. Lượng hàng hóa giao dịch qua các kênh trực tuyến tăng nhanh kéo theo nhu cầu dịch vụ chuyển phát bùng nổ. Đó là cơ hội, là không gian vô hạn cho ngành bưu chính có bước chuyển mình mạnh mẽ.

Kết quả khảo sát 33 nghìn người tại 40 quốc gia (chiếm 93% thị trường thương mại điện tử thế giới) do Hiệp hội Bưu chính quốc tế (IPC) vừa công bố cho thấy, khoảng 79% người tiêu dùng hiện có xu hướng mua sắm trực tuyến mỗi tháng một lần. Giám đốc điều hành IPC Holger Winklbauer nhấn mạnh, thương mại điện tử từ lâu đã trở thành xương sống của ngành bưu chính. Do đó, các doanh nghiệp bưu chính cần hiểu rõ và thích ứng với nhu cầu cũng như mối quan tâm ngày càng tăng của khách hàng.

Đưa nông sản lên "sàn"

Triển khai Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, cuối tháng 6/2021, hơn ba tấn vải thiều Bắc Giang đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đã được sàn thương mại điện tử Vỏ Sò xuất khẩu và thông quan thuận lợi tại sân bay Frankfurt (Liên bang Đức). Đây là lần đầu, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo mô hình "Thương mại điện tử xuyên biên giới" trên nền tảng thương mại điện tử do Việt Nam phát triển và vận hành thông qua Chương trình hợp tác giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) với sàn thương mại điện tử Vỏ Sò và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post). Theo đó, người tiêu dùng ở Đức chỉ cần đặt hàng trên sàn Vỏ Sò Global, trực tiếp thanh toán thông qua hệ thống thanh toán quốc tế được kết nối với sàn thương mại điện tử. Vải thiều sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không sang Đức, giao tới tận nhà người mua trong khoảng từ bốn đến năm ngày với chất lượng bảo đảm tươi ngon. Cùng thời điểm đó ở trong nước, mỗi ngày có hàng chục tấn vải thiều Bắc Giang vừa thu hoạch cũng được sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) kết nối và vận chuyển đến tay khách hàng trên khắp cả nước. Ngoài ra, Vietnam Post cũng phối hợp các đối tác xuất khẩu 80 tấn vải thiều đi ba quốc gia gồm: Nhật Bản, Australia và Cộng hòa Czech. Kết thúc mùa vải năm 2021, Vietnam Post đã hỗ trợ người dân Bắc Giang tiêu thụ gần 4.300 tấn vải qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Trưởng ban Nghiên cứu phát triển và Thương hiệu Vietnam Post Phan Trọng Lê cho biết, từ kinh nghiệm hỗ trợ nông dân Bắc Giang tiêu thụ vải thiều, đồng thời nhận rõ thế mạnh có mạng lưới rộng khắp và hệ thống vận chuyển chuyên nghiệp, Vietnam Post đã bắt tay tiếp tục xây dựng đề án "Bưu điện Việt Nam đồng hành cùng người dân và hộ gia đình nông thôn phát triển kinh tế", trong đó tập trung vào các kế hoạch cụ thể, gồm: đưa nông dân lên nền tảng kinh doanh số; hỗ trợ tiêu thụ nông sản, mở rộng thị trường trong nước và hỗ trợ xuất khẩu nông sản. Từ đó, Vietnam Post đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các địa phương mở tài khoản trên sàn Postmart.vn cho nông dân; tổ chức đào tạo, hướng dẫn các chủ tài khoản mới biết cách bán hàng trên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ truyền thông, quảng bá sản phẩm, xúc tiến bán hàng cũng như cung cấp các dịch vụ logistics, thanh toán, giao sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Đến nay đã có 2,5 triệu hộ nông dân được hỗ trợ mở tài khoản trên sàn Postmart.vn; trung bình mỗi ngày có gần 10 nghìn lượt truy cập vào sàn thương mại điện tử này, chủ yếu lựa chọn mua các sản phẩm nông sản trái cây, đặc sản chính vụ của các địa phương. Trong năm 2022, Vietnam Post đặt mục tiêu tham gia hỗ trợ tiêu thụ tại 20-30 tỉnh, thành phố; tỷ trọng tiêu thụ chiếm bình quân từ 4% đến 5% tổng sản lượng mùa vụ; hỗ trợ xuất khẩu từ 700 đến 1.000 tấn nông sản sang thị trường các nước.

Mở rộng không gian hoạt động

Việc các công ty bưu chính tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản đã giúp nông dân giảm đến mức thấp nhất rủi ro "được mùa mất giá" hay lo ngại bị thương lái ép giá. Quan trọng hơn, người nông dân còn có cơ hội tiếp cận với kênh bán hàng hiện đại mới là thương mại điện tử, qua đó cũng có được kinh nghiệm và kỹ năng để thích nghi dần với nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ. Các doanh nghiệp bưu chính cũng coi đây là cơ hội chuyển mình, mở rộng không gian hoạt động, tạo tiền đề cho sự đột phá mạnh mẽ hơn trong kỷ nguyên số sắp tới.

Vụ trưởng Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Vũ Hồng Thanh chia sẻ, ngành bưu chính đang có nhiều cơ hội để phát triển bứt phá, trở thành hạ tầng của nền kinh tế số. Đó là khi các mô hình kinh doanh nền tảng chia sẻ, các mô hình kinh doanh thương mại điện tử và bán lẻ thế hệ mới bùng nổ sẽ cần đến một hạ tầng chuyển phát rộng khắp để đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng. Trong khi mạng lưới bưu chính hơn 21.600 điểm phục vụ đến tận cấp xã trải dài khắp từ Hà Giang tới mũi Cà Mau cùng lực lượng gần 100 nghìn lao động có thể đưa hàng hoá đến tiêu thụ tại khắp mọi nơi trên đất nước cũng như vươn xa trên thế giới. Đây là lợi thế không phải lĩnh vực nào cũng có được. Thời gian tới, khi các thiết bị thông minh được phổ cập, hạ tầng bưu chính cần trở thành cầu nối hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh thương mại điện tử ở địa bàn nông thôn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, chủ động mở rộng không gian hoạt động, hệ sinh thái, tạo cơ hội phát triển thành lĩnh vực có quy mô kinh tế lớn, đóng vai trò huyết mạch trong đời sống kinh tế-xã hội đất nước cũng như trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và nền kinh tế số.

Tổng Giám đốc Vietnam Post Chu Quang Hào cho biết, để chuẩn bị cho bước chuyển trong thời gian tới, Tổng công ty đã cho thành lập hai công ty là Vietnam Post Logistics và Vietnam Post Digital. Đây là hai dịch vụ mới, đồng thời là cú huých quan trọng để Vietnam Post hoàn thành mục tiêu chiến lược phát triển giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, Vietnam Post Logistics sẽ chuyên về các dịch vụ kho bãi, vận chuyển quốc tế, xuất nhập khẩu, hải quan,… với mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành công ty logistics hàng đầu Việt Nam, đạt doanh thu tỷ USD. Ngay trong năm 2022 này, Vietnam Post Logistics sẽ đặt chi nhánh tại các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản,… Công ty Vietnam Post Digital sẽ phát triển các sản phẩm, dịch vụ số; tổ chức triển khai kinh doanh, phát triển lực lượng bán hàng trong lĩnh vực số, tham gia hỗ trợ quá trình chuyển đổi số cho Tổng công ty bằng các công cụ, giải pháp số. Vietnam Post Digital có tầm nhìn trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong cung cấp sản phẩm dịch vụ số sáng tạo, hiệu quả tại Việt Nam, nhất là tại khu vực nông thôn. Đến năm 2025, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.500 tỷ đồng.

Theo: nhandan.vn