Truy cập nội dung luôn

Nhiều kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội nghị chuyển đổi số

24/11/2021 09:13    205

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi Trần Sỹ tại Hội nghị

Tại Hội nghị “Chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030” vừa qua có nhiều đại biểu tham gia đề cập những khó khăn, vướng mắc trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số và đã được các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.

Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi Hà Hoàng Việt Phương cho rằng vướng mắc lớn nhất mà tỉnh đang gặp phải là các địa phương chưa có sự đồng bộ trong việc chia sẻ cơ sở dữ liệu và kết nối dẫn đến tình trạng lãng phí. Chính vì vậy, cần phải tháo gỡ ngay “nút thắt” đó và phải xác định rõ việc chuyển đổi số làm từ đâu, làm như thế nào, kinh phí và đặc biệt là kho dữ liệu ở đâu?

Với một số kết quả và kinh nghiệm chuyển đổi số của tỉnh Thừa Thiên Huế, Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chia sẻ rằng chuyển đổi số là quá trình liên tục và kế thừa. Để hình thành việc chuyển đổi số cần dựa trên các yếu tố quan trọng đó là chính sách, cơ chế vận hành, cơ sở vật chất, nền tảng tích hợp dữ liệu và trải qua 3 giai đoạn để hoàn thành chuyển đổi số, giai đoạn đầu là ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, giai đoạn thứ hai là xây dựng Chính quyền điện tử và giai đoạn 3 là chuyển đổi số trong xây dựng Chính quyền số.

Cùng với những ý kiến của các địa phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi cho biết ngành Giáo dục ý thức rất cao về việc tiếp cận chuyển đổi số trong quản lý dạy và học. Đồng thời, trình bày những băn khoăn cần được giải đáp để nâng cao chất lượng cho ngành Giáo dục, thứ nhất là làm thế nào để toàn bộ dữ liệu từ quá trình học tập của học sinh cũng được theo dõi và lưu trữ bằng công nghệ chứ không phải bằng hồ sơ, sổ sách thông thường như hiện nay và dữ liệu này cần được lưu thông từ trường đến Sở và đến Bộ Giáo dục và Đào tạo; thứ hai là làm thế nào để có được ngân hàng bài giảng, bài kiểm tra trực tuyến cho học sinh và giáo viên phổ thông truy cập sử dụng mọi lúc, mọi nơi trong điều kiện dịch bệnh Covid - 19, không thể tổ chức cho các em đến trường học trực tiếp.

Trao đổi ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo, ông Phạm Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel giới thiệu hiện tại, Viettel đã có hai nền tảng áp dụng là SMAS được triển khai ở Quảng Ngãi để quản lý toàn bộ quá trình học của học sinh, quản lý cả thông tin giáo viên và nhà trường; nền tảng thứ 2 là K12 Online cho phép quản lý nhà trường thay thế toàn bộ cho việc dạy và học cả offline và online, đồng thời quản lý quá trình giao bộ môn cho giáo viên, giao cho giáo viên soạn giáo án và lịch dạy, giao giáo viên lập ra các ngân hàng câu hỏi trên hệ thống cho học sinh tiếp cận và học. Tuy nhiên, việc làm như thế nào không còn là câu chuyện thuộc về chuyên môn, hạ tầng công nghệ mà là phụ thuộc vào vấn đề chính sách, Nhà nước ta chưa có chính sách chuyển đổi bằng cấp, giấy tờ sang chuyển đổi số hoàn toàn và cũng chưa có chính sách yêu cầu giáo viên soạn giáo án trên môi trường kỹ thuật số. Ông đề xuất về việc làm thí điểm chuyển đổi số trong ngành Giáo dục tại tỉnh Quảng Ngãi.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền nhấn mạnh một trong những nội dung lãnh đạo hết sức quan tâm là chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông cùng các địa phương liên quan và các sở, ban, ngành tập trung để sớm hoàn thiện vấn đề xây dựng Trung tâm điều hành của tỉnh để các lãnh đạo có sự giám sát, điều hành hết sức trực quan và khoa học.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó Giám đốc Chiến lược Sản phẩm của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam khẳng định sự chỉ đạo quyết liệt, đồng lòng của lãnh đạo các cấp đến từng cán bộ công chức, viên chức trong việc xây dựng và sử dụng Trung tâm dữ liệu ứng dụng công nghệ chuyển đổi số là hết sức quan trọng và đặt lên hàng đầu. Phải xây dựng dòng chảy dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” trong quá trình chuyển đổi số.

Thúy Vân - Thu Nhất