Truy cập nội dung luôn

Quảng Ngãi thúc đẩy chi trả không dùng tiền mặt

28/03/2024 14:37    50

Cùng với chú trọng chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi còn tạo đột phá trong khâu thanh toán không dùng tiền mặt. Phương thức thanh toán tiện lợi này từng bước được phổ biến trong giao dịch thương mại của nhiều tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Hình thành công dân số

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân huyện Tư Nghĩa Ðoàn Việt Vân cho biết, để hình thành thói quen, đưa thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu của người dân, huyện phối hợp Viettel Quảng Ngãi ký hợp tác triển khai mô hình điểm chuyển đổi số-thanh toán số tại các xã: Nghĩa Thuận, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Thắng và Nghĩa Ðiền. Tại xã Nghĩa Ðiền, thông qua mô hình chi trả trợ cấp cho đối tượng bảo trợ không dùng tiền mặt và thanh toán không dùng tiền mặt, quét mã QR, đến tháng 5/2023, toàn xã có 614 đối tượng bảo trợ nhận tiền qua tài khoản, đạt tỷ lệ 100%. Tại bộ phận một cửa xã, người dân khi giải quyết thủ tục hành chính đều thực hiện thanh toán trực tuyến 100%. Song song đó, ngoài việc trang bị mã QR tại các điểm tạp hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ, mua bán để thuận tiện cho khách hàng và chủ cơ sở kinh doanh trao đổi thanh toán thuận lợi, xã còn triển khai các tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt, được người dân đồng tình, ủng hộ. "Các mô hình được triển khai, giúp người dân dần tiếp cận với hình thức thanh toán điện tử, hạn chế dùng tiền mặt trong mua sắm, giao dịch", đồng chí Ðoàn Việt Vân đánh giá.

Ðể thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều địa phương đã triển khai mô hình "Chợ công nghệ 4.0". Tại chợ Quảng Ngãi, chợ trung tâm của tỉnh, từ cuối năm 2022, tất cả các tiểu thương đều sử dụng thành thạo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua quét mã QR hoặc chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng. Nhờ vậy, bình quân mỗi tháng, chợ Quảng Ngãi tiếp nhận hơn 35 nghìn giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài các ứng dụng của ngân hàng, mô hình "Chợ công nghệ 4.0" còn có các nền tảng ứng dụng khác giúp người dân dễ dàng thực hiện các giao dịch có giá trị nhỏ lẻ đến từng đồng.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi Trần Thanh Trường, việc thanh toán trực tuyến được tỉnh triển khai khá hiệu quả. Năm 2023, toàn tỉnh thanh toán trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia gần 101 tỷ đồng, với hơn 86.560 giao dịch, nhờ đó Quảng Ngãi luôn nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có thứ hạng cao về thanh toán trực tuyến. Từ tháng 11/2023 đến nay, tỉnh vẫn đang đứng đầu toàn quốc về thanh toán dịch vụ công trực tuyến.

Ðối với việc thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí tất cả các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện đã triển khai thực hiện; số học sinh nộp học phí và bảo hiểm y tế bằng phương thức không dùng tiền mặt trong năm 2023 đạt tỷ lệ 58,76%, với tổng giá trị giao dịch khoảng hơn 61 tỷ đồng; thực hiện việc chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng qua tài khoản cho 25.252 đối tượng đã có tài khoản ngân hàng, đạt tỷ lệ 95,42%; chi trả kinh phí cho 2.872 người có công với cách mạng đã có tài khoản ngân hàng, đạt tỷ lệ 93,73% và chi trả kinh phí qua tài khoản cho 1.526 hộ nghèo, cận nghèo đã có tài khoản ngân hàng, đạt tỷ lệ 90,83%.

Gia tăng tiện ích dịch vụ

Theo đồng chí Trần Thanh Trường, việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Ðó là, việc sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch dân sự của người dân, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ðơn cử, tại huyện miền núi Ba Tơ, người dân hầu như vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt trong các giao dịch mua bán; số người mạnh dạn thanh toán không dùng tiền mặt chưa nhiều, khoảng 4.000-5.000 người. Thậm chí, nhiều lao động làm việc trong các doanh nghiệp dù được trả tiền lương vào tài khoản nhưng chủ thẻ vẫn rút tiền mặt để chi tiêu hằng ngày.

Quảng Ngãi đã đề ra các chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2025 như thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; 80% số người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch điện tử; 90-100% số doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, cá nhân có phát sinh nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí nộp thuế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ở đô thị được chi trả bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt...

Theo đồng chí Trần Thanh Trường, tỉnh cần phải có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt như: Tập trung thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân thông qua việc gia tăng các tính năng, tiện ích của dịch vụ; nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, nhanh chóng, hiệu quả, chi phí thấp.

Ðồng thời, tỉnh cần đẩy mạnh thông tin về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ quan, đơn vị, nơi thí điểm, trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, các cơ sở y tế, các cửa hàng, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại; chú trọng tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, với nội dung tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, có tính lan tỏa trong cộng đồng; tổ chức tập huấn, hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt thường xuyên, rộng rãi cho mọi đối tượng; phổ biến kiến thức về các hành vi lừa đảo, biện pháp nhận biết rủi ro, cách phòng tránh và một số giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cá nhân cho người dùng.

https://nhandan.vn