Truy cập nội dung luôn

Xử lý thông tin sai sự thật góp phần ổn định xã hội

21/07/2020 15:34    45

nguồn internet

Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, nhất là mạng xã hội đã tạo ta cuộc cách mạng về thông tin, làm thay đổi cách sống, cách nghĩ, phương thức truyền đạt và tiếp nhận thông tin của nhân loại. Mạng xã hội giúp con người dễ dàng chia sẻ, trao đổi thông tin với nhau thông qua trò chuyện trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh. Thông tin trên mạng xã hội đa dạng đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho con người. Internet và mạng xã hội tạo ra thế giới phẳng, là kho kiến thức để mỗi ngưởi tìm hiểu.

Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có nhiều tiêu cực, mặt xấu gây tác hại to lớn cho xã hội và cuộc sống con người. Mạng xã hội là môi trường lan truyền các loại tin giả(Tin lửa đảo, tin vu khống, bịa đặt), tin gây bất ổn xã hội (Tin đồn, tin kích động bạo lực, biểu tình,tin cổ xúy hành vi trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc) Tin chống phá Nhà nước, kêu gọi lật đổ chế độ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân…

Để từng bước hạn chế đi đến loại bỏ dần thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, thời gian qua Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 15 đợt tập huấn tuyên truyền về Luật An toàn thông tin, Luật Tiếp cận thông tin, Luật An ninh mạng, Luật báo chí, các quy định pháp luật về xử lý thông tin có nội dung sái trái trên mạng xã hội; tuyên truyền Chỉ thị 31-CT/TU ngày 23/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ’’nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ trong việc sử dụng Internet, mạng xã hội và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.  

Sở phối hợp với ngành chức năng tổ chức 08 đợt kiểm tra xử lý thông tin, trong đó có 05 trường hợp xử lý liên quan đến tội phạm hình sự, 02 trường hợp liên quan đến việc tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng internet, 01 trường hợp  quảng cáo, chào bán tour trên website, mạng xã hội không có giấy phép hoạt động.

Qua theo dõi, nắm bắt thông tin về lợi dụng internet và thông tin trên mạng chống lại Nhà nước, gây phương hại đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông đã xử lý và phối hợp xử lý nhiều vụ việc.

Năm 2017 Sở tiến hành giám định theo yêu cầu của công an tỉnh để xử lý theo pháp luật 03 vụ trên Facebook của Hoàng Trãi, Nguyễn Đình Tấn,Đinh Diêm có nội dung chống Nhà nước, kêu gọi lật đổ chế độ. Năm 2018 giám định cho cơ quan pháp luật xử lý 02 trường hợp vi phạm trên internet và mạng xã hội của Huỳnh Đắc Túy và Lê Văn Thương. Năm 2019 và 06 tháng đầu năm nay Sở giám định nội dung tài liệu để xử lý vi phạm trên facebook của Nguyên Thanh Tuyền, Cao Văn Dũng, Trần Tứ và Nguyễn Hữu Mỹ.

Cùng với việc phối hợp xử lý thông tin xấu độc, thời gian qua Sở thường xuyên theo dõi để kịp thời xử lý thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận xã hội. Mỗi năm Sở tiến hành xử lý hàng chục vụ thông tin sai sự thật với nhiều mục đích khác nhau. Chẳng hạn như các vụ: xuyên tạc Tòa án nhân dân tỉnh xét xử không đúng pháp luật; Bệnh viện đa khoa tỉnh không cứu chữa người bị tai nạn dẫn đến chết, xuyên tạc việc làm của cán bộ lãnh đạo Ngân hàng Công thương tỉnh, vụ lan truyền thông tin gạo giả, bắt cóc trẻ em ở địa bàn miền núi Quảng Ngãi.. Riêng năm 2020 đã xử lý 3 vụ , phạt tiền 20 triệu đồng và yêu cầu gỡ bỏ nội dung thông tin, cam kết không tái phạm. Việc xử lý kịp thời thông tin sai sự thật đã góp phần vào việc ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội, không để phát sinh tình huống xấu ảnh hưởng đến kinh tế- xã hội của tỉnh.

Mạng xã hội là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại nhưng lại là con dao hai lưỡi. Do vậy muốn quản lý tốt mạng xã hội, loại dần những tiêu cực do nó mang lại thì cần có cách nhìn nhận đúng, không quá cứng nhắc kiểu như không quản lý được thì dẹp bỏ.

Muốn quản lý mạng xã hội, trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về internet và thông tin trên mạng nhằm nâng cao hiểu biết cho người dùng mạng xã hội. Có một thực trạng là hiện nay 2/3 dân số nước ta sử dụng mạng xã hội nhưng ý thức, nhận thức, kỹ năng bảo vệ bản thân trên không gian mạng và mạng xã hội chưa được chú trọng. Khả năng đề kháng của người dùng mạng xã hội đối với thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật còn hạn chế.

Thứ hai là cần nâng cao hơn nữa năng lực quản lý truyền thông xã hội, nhất là mạng xã hội; trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao trình độ, năng lực cho dội ngũ làm công tác này và tăng cường hệ thống thiết bị kiểm tra, giám sát phù hợp với thời đại của cuộc CMCN lần thứ 4. Công tác phối hợp kiểm tra, giám sát để xử lý vi phạm trên mạng xã hội cũng cần được chú trọng và tiến hành thường xuyên hơn.

Thứ ba là tăng cường cung cấp thông tin chính thống kịp thời cho báo chí đăng tải, không che đậy, dấu giếm thông tin vì đây chính là mảnh đất tốt cho mạng xã hội. Báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò cung cấp thông tin chính thống, kịp thời, khách quan để tạo niềm tin cho xã hội, đúng với chức năng, nhiệm vụ là phương tiện thông tin thiết yếu trong đời sống xã hội, có vai trò định hướng dư luận, góp phần tạo niềm tin và sự đồng thuận xã hội.

Làm được điều này sẽ hạn chế rất nhiều thông tin sai sự thật, thu hẹp dần đất sống của các loại tin giả không có lợi cho sự ổn định xã hội và đời sống con người./.

Thanh Tánh