Truy cập nội dung luôn

Xuất bản kỹ thuật số - nội hàm và cấu trúc

15/11/2022 15:27    387

Trên thế giới, digital publishing hoặc electronic publishing là hai khái niệm được dùng để chỉ xuất bản kỹ thuật số hay còn gọi là xuất bản số, bao gồm các xuất bản phẩm được số hóa như: sách kỹ thuật số, tạp chí kỹ thuật số và các thư viện, danh mục kỹ thuật số... Ngoài ra, khái niệm xuất bản số (xuất bản kỹ thuật số) còn được dùng để chỉ việc biên tập, sản xuất các cuốn sách, tạp chí truyền thống thành một xuất bản phẩm có định dạng số để có thể đọc được trên màn hình máy tính, các thiết bị đọc sách điện tử chuyên dụng, máy tính bảng, điện thoại thông minh.

Theo đó, xuất bản kỹ thuật số là hình thức xuất bản, phổ biến thông tin ở định dạng số và phân phối cho người dùng tiềm năng trên mạng Internet và mạng nội bộ hoặc ở các định dạng độc lập như CD-ROM và đĩa mềm. Các thông tin trong xuất bản số có thể là văn bản, số liệu, đồ họa, hình ảnh tĩnh hoặc chuyển động, video, âm thanh hoặc thậm chí là sự tích hợp của tất cả những dạng thông tin này.

 

Đặc trưng của xuất bản số được thể hiện ở công thức sau:

 

Xuất bản kỹ thuật số = Công nghệ điện tử + Công nghệ máy tính + Công nghệ truyền thông + Xuất bản.

Xuất bản số liên quan đến việc thu thập, sửa đổi và phân phối thông tin dưới các hình thức khác nhau, chẳng hạn như trên phương tiện vật lý hoặc thông qua mạng máy tính. Xuất bản kỹ thuật số có thể được chia thành hai loại: xuất bản trực tuyến và xuất bản ngoại tuyến. Xuất bản trực tuyến sử dụng máy tính và mạng truyền thông bao gồm Internet, mạng nội bộ để phân phối nội dung. Xuất bản ngoại tuyến sử dụng phương tiện lưu trữ như CD-ROM, CD-I, DVD, thẻ nhớ và đĩa mềm để phân phối nội dung.

Các loại sản phẩm xuất bản số bao gồm: sách số; tạp chí số; cơ sở dữ liệu số; tài liệu học thuật số (luận văn, luận án số); lưu trữ số; danh mục số; tài nguyên đa phương tiện,...

Ở Trung Quốc, khái niệm này đã được đề cập từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX, tuy nhiên, cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra một định nghĩa rõ ràng và thống nhất về xuất bản số. Trong văn bản ngày 16/8/2010: “Ý kiến của Tổng cục Báo chí - Xuất bản về đẩy mạnh hoạt động xuất bản số” của Tổng cục Báo chí - Xuất bản Trung Quốc gửi Cục Báo chí - Xuất bản các tỉnh, thành phố, khu tự trị và các đơn vị, tổ chức liên quan đến công tác xuất bản, hoạt động xuất bản số được định nghĩa là phương pháp xuất bản mới sử dụng công nghệ kỹ thuật số để chỉnh sửa nội dung và xử lý nội dung xuất bản phẩm, đồng thời thông qua mạng để truyền bá, phát hành xuất bản phẩm số. Nói một cách đơn giản, xuất bản kỹ thuật số là việc sử dụng công nghệ máy tính hoặc công nghệ mạng để thay thế một số khâu trong hoạt động xuất bản truyền thống.

Các tính năng chính của xuất bản số là số hóa việc sản xuất nội dung, số hóa quy trình quản lý, số hóa các hình thức sản phẩm và mạng hóa kênh truyền thông. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã mở rộng cấu trúc của xuất bản số, không chỉ còn là sách (bao gồm sách giấy và sách được số hóa), mà còn bao gồm cả sản phẩm khác như báo chí, trò chơi, giáo dục... Cụ thể là, các sản phẩm xuất bản số chủ yếu bao gồm: sách điện tử, báo số, tạp chí số, tài liệu gốc trực tuyến, xuất bản phẩm giáo dục trực tuyến, bản đồ trực tuyến, nhạc số, hoạt hình trực tuyến, trò chơi trực tuyến, ấn phẩm cơ sở dữ liệu, sản phẩm di động (MMS, CRBT, điện thoại di động), báo chí, tạp chí điện tử, văn học mạng, trò chơi di động,...

 

Kênh phát hành phổ biến các sản phẩm xuất bản kỹ thuật số chủ yếu bao gồm Internet, mạng truyền thông không dây và mạng vệ tinh. Do lưu trữ lớn, tìm kiếm thuận tiện, truyền tải nhanh, tương tác mạnh, chi phí thấp, bảo vệ môi trường và carbon thấp nên xuất bản số đã trở thành hướng phát triển chính của các ngành công nghiệp mới nổi và chiến lược xuất bản trong ngành xuất bản hiện đại trên thế giới.

Ở Việt Nam, chưa có một khái niệm thống nhất về “xuất bản số” và về cơ bản vẫn chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa “xuất bản điện tử” và “xuất bản số” trong hoạt động của ngành xuất bản sách. Hiện nay, ở nước ta chủ yếu là xuất bản điện tử (với các sản phẩm chính như ebook, Audiobook, CD-ROM,...) - một nhánh của xuất bản số; theo đó nội hàm và cấu trúc của xuất bản số ở nước ta về cơ bản chưa được định hình rõ nét.