Giám sát hoạt động hệ thống truyền thanh cơ sở
13/06/2024 09:40 145
Vừa qua, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh do Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Phan Đặng Nhân Ái làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát việc đầu tư, quản lý và hoạt động hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 - 2023.
Hiện toàn tỉnh có 173/173 xã, phường, thị trấn có Đài Truyền thanh và 01 Đài Truyền thanh thuộc Khu công nghiệp VSIP. Trong đó, có 159 đài vô tuyến và 14 đài hữu tuyến với tổng số 2.801 cụm loa, đạt tỷ lệ phát sóng trung bình 65%. Đã có 26 xã và huyện Lý Sơn đầu tư đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông với tổng số 306 cụm loa.
Công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, người làm công tác truyền thanh cơ sở cũng được chú trọng triển khai. Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ thông tin và truyền thông cho 950 cán bộ cán bộ văn hóa xã, truyền thanh xã và trưởng thôn, bản. Đồng thời, Sở phối hợp với Cục Thông tin cơ sở triển khai lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin cơ sở trên nền tảng học trực tuyến OneTouch trong 10 ngày cho 92 cán bộ làm truyền thanh cơ sở của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đại biểu kiến nghị tại buổi giám sát.
Hoạt động truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực, kịp thời tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, cung cấp đầy đủ những thông tin, kiến thức cần thiết cho cuộc sống lao động, sản xuất kinh doanh của người dân. Cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác thông tin cơ sở từng bước được đầu tư, nâng cấp và được khai thác, sử dụng có hiệu quả; một số địa phương đã chủ động từng bước triển khai chuyển đổi sang ứng dụng CNTT-VT đối với hệ thống đài truyền thanh cơ sở. Hình thức và nội dung tuyên truyền được vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm với sự trợ giúp hiệu quả của internet, mạng xã hội, đáp ứng được yêu cầu và xu thế phát triển của xã hội.
Tuy nhiên, điều kiện của tỉnh thường xuyên gặp thiên tai, bão, lũ nên nhiều đài truyền thanh cơ sở bị hư hỏng, xuống cấp. Trong khi kinh phí đầu tư còn chưa được quan tâm thường xuyên và kịp thời. Đặc biệt, kinh phí đầu tư cho truyền thanh cơ sở còn hạn chế, dẫn tới hầu hết các địa phương chưa đủ điều kiện để chuyển đổi sang mô hình truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông. Bên cạnh đó, chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thanh cơ sở còn thấp nên đội ngũ cán bộ không ổn định, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở.
Kết luận tại buổi giám sát, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Phan Đặng Nhân Ái đánh giá cao việc triển khai các văn bản về cơ chế chính sách đảm bảo cho hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở. Đồng thời, đề nghị Sở TT&TT bám sát các chương trình mục tiêu quốc gia, tham mưu tỉnh nguồn kinh phí để triển khai thực hiện các dự án, đầu tư cho hệ thống truyền thanh cơ sở.
Nghị định 49/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 của Chính phủ quy định về hoạt động thông tin cơ sở chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Vì vậy, Sở TT&TT chủ trì soạn thảo, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chế độ nhuận bút, thù lao đối với sản phẩm truyền thông theo đúng trình tự, thủ tục. Trong thời gian tới, Sở TT&TT, các địa phương cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát để đánh giá đúng tình hình tổ chức và hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở, từ đó đề ra các biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế…