Trang thông tin điện tử

Sở Thông tin và Truyền thông

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sơ kết công tác giảm nghèo về thông tin giai đoạn 2022 – 2025

p> Sáng 27/11, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá công tác giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025. Ông Trần Thanh Trường, Giám đốc Sở TT&TT và ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH chủ trì hội nghị.

Sau 3 năm thực hiện chương trình giảm nghèo về thông tin (Tiểu dự án 1 - Dự án 6), Quảng Ngãi đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, tỉnh tổ chức 11 hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho 2.175 cán bộ thông tin và truyền thông.

Bên cạnh đó, tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của đài truyền thanh xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo. Thiết lập mới 102 hệ thống đài truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông, cho 21 xã và huyện đảo Lý Sơn.

Ông Trần Thanh Trường, Giám đốc Sở TT&TT phát biểu tại Hội nghị

 

Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã lắp đặt 75 cụm loa cho huyện Lý Sơn và 12 xã khó khăn để từng bước chuyển đổi mô hình đài truyền thanh (hữu tuyến/FM) qua truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông.

Báo Quảng Ngãi, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh cũng góp phần đẩy mạnh truyền thông về giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Trung bình mỗi năm, trên hai loại hình báo in và báo điện tử của Báo Quảng Ngãi đã đăng trên 500 tin, bài, ảnh liên quan đến công tác giảm nghèo của tỉnh. Trong năm 2024, trung bình mỗi tháng bố trí từ 6 - 10 kỳ, mỗi kỳ từ ½ - 1 trang báo tuyên truyền liên quan về công tác giảm nghèo của các đơn vị, địa phương. Ngoài ra, Báo Quảng Ngãi còn phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố xuất bản phụ trương Giảm nghèo bền vững, 4 trang một tháng.

Trong khi đó, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã sản xuất, phát sóng 108 phóng sự ngắn trong các chương trình thời sự; 12 chuyên mục Giảm nghèo bền vững, 13 chuyên mục Lao động và Việc làm trên kênh phát thanh, 15 Bản tin Lao động và Việc làm trên kênh truyền hình; chương trình truyền hình thực tế Chuyến xe hướng nghiệp, các chương trình truyền hình trực tiếp tư vấn nghề nghiệp và truyền thông chính sách.

Hàng năm, Đài cũng phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh sản xuất, phát sóng bình quân 26 phóng sự ngắn mỗi năm. Tất cả các bản tin, phóng sự, chuyên mục, chuyên đề sau khi đã phát sóng bằng tiếng Việt đã được các biên dịch viên của Đài chuyển ngữ sang tiếng Hrê và Co để phát sóng trên kênh truyền hình, kênh phát thanh. Nhờ đó, đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận thuận lợi hơn khi được nghe bằng chính tiếng nói của dân tộc mình, giúp bà con giảm nghèo về thông tin.

Về thực hiện Dự án 7 Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, Sở đã xuất bản 5.500 tờ gấp hướng dẫn thực hiện triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, đa dạng hóa phương thức truyền thông, thiết kế và đăng tải infographics về tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 để hướng dẫn thực hiện triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, cho cán bộ làm công tác truyền thông giảm nghèo cấp huyện, xã, thôn…

Toàn cảnh Hội nghị 

 

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày tham luận về một số giải pháp, mô hình hay trong thực hiện truyền thông tại địa phương như: Nghĩa Hành, Ba Tơ, Bình Sơn… Qua đó, hội nghị cùng thảo luận về những khó khăn, vướng mắc, những giải pháp cần triển khai trong thời gian tới để nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền, góp phần động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bản thân, gia đình và cộng đồng mình.


Thống kê truy cập

Đang online: 1
Hôm nay: 3
Hôm qua: 297
Năm 2025: 4.141
Tất cả: 20.681